Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025
LCĐT – Sáng 26/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2021 đối với các tỉnh, thành vùng miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Lào Cai
Theo báo cáo tại hội nghị, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng năm 2020 của các tỉnh miền núi phía Bắc chỉ đạt 2,29%, cao hơn bình quân cả nước (1,8%), sau vùng đồng bằng sông Hồng (3,74%) và Tây Nguyên (2,72%). Trong đó, nông – lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,56%; công nghiệp và xây dựng tăng 3,32%; dịch vụ tăng 0,87%. Thu ngân sách nhà nước của vùng đạt hơn 40,8 nghìn tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 141,6 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 23,4 tỷ USD; số doanh nghiệp được thành lập mới là 3.087 doanh nghiệp, với vốn đăng ký trên 31,6 nghìn tỷ đồng.
Các tỉnh trong vùng đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư Nhà nước; thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài bảo đảm nguồn lực cho phát triển (tính đến 31/7/2020, tổng số dự án FDI của vùng là 515 dự án, với tống vốn hơn 7,4 tỷ USD). Môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, các địa phương vùng trung du, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương gửi chậm so với yêu cầu. Qua tổng hợp cho thấy, các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc xác định tốc độ tăng trưởng GRDP từ 8% đến 9% năm; nhu cầu đầu tư công hơn 394,7 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương gần 118,5 nghìn tỷ đồng, ngân sách Trung ương trong nước 235,1 nghìn tỷ đồng, vốn nước ngoài (ODA) hơn 41 nghìn tỷ đồng.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để đại biểu các tỉnh, thành phố tham gia ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội và đầu tư công những tháng đầu năm và thực hiện những tháng còn lại của năm 2020; đề xuất các giải pháp, chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác năm 2020; trao đổi và kiến nghị các nội dung liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025, nhất là sớm có hướng dẫn quy định về tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025…Đối với Lào Cai, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 6,08%, thấp hơn 4 điểm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng là mức tăng trưởng khá cao so với cả nước và các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Các chỉ tiêu về nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng đảm bảo tiến độ kế hoạch và tăng so với cùng kỳ 2019; một số chỉ tiêu về xuất, nhập khẩu, du lịch, thu ngân sách đạt thập. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đến nay đạt 51,66% kế hoạch, đứng thứ 7/14 tỉnh miền núi phía Bắc, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố. Tỉnh Lào Cai đã hoàn thành báo cáo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 20021 – 2025 theo đúng văn bản chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với Chính phủ cho phép Lào Cai triển khai một số dự án ODA và thống nhất ủng hộ chủ trương hỗ trợ tỉnh thực hiện một số dự án trọng điểm từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, góp phần phát triển hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc, liên kết phát triển vùng trung du, miền núi phía Bắc với cả nước và quốc tế.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các địa phương trong quá trình hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cần bám sát định hướng phát triển mà đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố đề ra trong giai đoạn 2020 – 2025. Bên cạnh đó, các địa phương cần có kế hoạch về huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình đã đề ra.
Đặc biệt, đối với kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, cần xác định rõ danh mục dự án theo thứ tự ưu tiên, không đầu tư dàn trải, tập trung thực hiện các dự án có sức lan tỏa mạnh. Các địa phương quan tâm công tác chuẩn bị dự án, phương án giải phóng mặt bằng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình thực hiện.
Related Posts
Trả lời Hủy
Bài viết mới
- Báo cáo chỉ số năng lực canh tranh cấp huyện và sở ban ngành năm 2021
- Lào Cai xếp thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
- Kết quả nổi bật, toàn diện trong cải cách hành chính
- Tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo từ góc nhìn DDCI sở, ban, ngành
- Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh nhìn từ DDCI cấp huyện