Tình hình kinh doanh nhìn từ DDCI cấp huyện
LCĐT – Bức tranh chung tình hình sản xuất, kinh doanh tại Lào Cai năm 2020 mang đậm dấu ấn tác động của dịch Covid-19, “sức khỏe” của doanh nghiệp giảm sút, đặc biệt là tại các doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch và công nghiệp, xây dựng…
Nhận định trên được đưa ra khi các chuyên gia của Economica Việt Nam khảo sát với hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh (phần lớn là hộ kinh doanh) và 500 ý kiến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, một số ít hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Tỷ lệ doanh thu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh qua DDCI cấp huyện năm 2020 |
Theo các chuyên gia của Economica Việt Nam, khi nhìn nhận về tình hình kinh doanh của các hộ kinh doanh tại Lào Cai, doanh thu là một trong những tiêu chí để đánh giá. So với năm 2019, quy mô doanh thu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cấp huyện giảm đáng kể, chiếm đa số là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với mức doanh thu dưới 100 triệu đồng với 71,97% (tăng mạnh so với 54,9% của năm 2019), đồng nghĩa tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh có doanh thu 100 – 500 triệu đồng giảm gần 10% và sự xuất hiện của các mức doanh thu lớn hơn càng hạn chế.
Tương tự doanh thu, các số liệu về tình hình hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng có nhiều tín hiệu thiếu tích cực. Năm 2019 có 75,7% cơ sở sản xuất, kinh doanh trong mẫu khảo sát cho rằng họ kinh doanh “lãi chút ít”; 4,9% hộ “lãi như mong muốn”, đến năm 2020, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh có “lãi chút ít” giảm một nửa và tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh “lãi như mong muốn” không đáng kể: 27,05% cơ sở sản xuất, kinh doanh cầm cự ở mức hòa vốn (tăng hơn hai lần so với năm 2019). Đáng chú ý, tỷ lệ “thua lỗ lớn” tăng gấp 3,43 lần (từ 6,6% năm 2019 lên 22,65% trong năm 2020) và tỷ lệ “thua lỗ lớn” chiếm đến 13,33%. Như vậy, cứ trung bình 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong năm 2020 thì có 3 cơ sở hòa vốn, 3 cơ sở thua lỗ chút ít và thua lỗ lớn, số còn lại có lợi nhuận không đáng kể.
Thực trạng sản xuất, kinh doanh và những tác động từ thị trường ảnh hưởng lớn đến niềm tin và triển vọng của các hộ kinh doanh. Năm 2020 có 81% cơ sở sản xuất, kinh doanh mong muốn duy trì quy mô hiện tại và 10,3% hộ kinh doanh có dự định giảm quy mô hoặc đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cũng chính vì vậy, số lượng hộ kinh doanh mong muốn chuyển đổi, đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp rất ít. Dường như các hộ kinh doanh đang thận trọng với thị trường năm 2021.
Về lực lượng lao động, năm 2020, tại Lào Cai, số lượng lao động trung bình làm việc tại các hộ kinh doanh là 1,66 lao động/hộ kinh doanh (nhỏ hơn mức 1,7 lao động/hộ kinh doanh của năm 2019), thấp hơn mức trung bình toàn quốc (1,677 – 1,8 người/hộ kinh doanh trong giai đoạn 2010 – 2017). Cũng có thể thấy rằng, cơ hội việc làm tại các hộ kinh doanh có phần bị thu hẹp trong năm 2020 so với năm trước đó.
Bên cạnh những thông tin về doanh thu, lợi nhuận và niềm tin kinh doanh, khảo sát DDCI đã cho thấy bức tranh tổng thể về tác động của dịch Covid-19 tới các hộ kinh doanh tại địa phương. Trên bình diện chung, 79,5% hộ kinh doanh cho rằng tác động của dịch Covid-19 là tiêu cực, trong đó có tới 36,2% chịu tác động rất tiêu cực. Mặc dù vậy, vẫn có 9,4% số hộ kinh doanh tìm thấy cơ hội trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cho dù các cơ hội này là chưa rõ ràng và chưa mang lại lợi nhuận lớn. Phân tích theo ngành nghề, các hộ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch chịu tác động nặng nề nhất, với 92,54% hộ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, kế đến là công nghiệp – xây dựng (82,6%), thương mại – dịch vụ (79,97%) và nông – lâm – ngư nghiệp (61,95%). Tác động đối với phụ nữ làm chủ hộ kinh doanh nặng nề hơn nam giới, với 83,58% hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ phản ánh các tác động tiêu cực của đại dịch. Chủ hộ kinh doanh là người dân tộc thiểu số ít chịu ảnh hưởng hơn, với 65,95% cho rằng các tác động từ dịch Covid-19 là nặng nề.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài hơn dự báo, chính quyền các cấp vẫn đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, thời điểm kết thúc và ảnh hưởng của dịch Covid-19 là chưa thể xác định và những tác động trong tương lai vẫn còn rình rập tới tình hình sản xuất, kinh doanh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính, nhân sự, thực trạng kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiện tại và niềm tin kinh doanh trong tương lai.
Mạnh Dũng
Related Posts
Trả lời Hủy
Bài viết mới
- Báo cáo chỉ số năng lực canh tranh cấp huyện và sở ban ngành năm 2021
- Lào Cai xếp thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
- Kết quả nổi bật, toàn diện trong cải cách hành chính
- Tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo từ góc nhìn DDCI sở, ban, ngành
- Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh nhìn từ DDCI cấp huyện