Cần cải thiện chỉ số minh bạch thông tin và đối xử công bằng trong DDCI
LCĐT – Minh bạch thông tin và đối xử công bằng trong xếp hạng DDCI của Lào Cai năm 2021 có bảng điểm tổng hợp không tích cực, giảm 0,71 điểm so với năm 2019, dừng ở mức 7,17 điểm. Đây cũng là một trong 3 chỉ số thành phần có điểm số thấp nhất, kéo giảm điểm số chung của toàn tỉnh. Trước tình hình đó, tính minh bạch thông tin và đối xử công bằng nên được xác định là một chỉ số thành phần cần ưu tiên cải thiện.
![]() |
Điểm số chỉ số thành phần “tính minh bạch thông tin và đối xử công bằng” |
Theo địa phương, Văn Bàn, Bảo Yên và Mường Khương có mức điểm ổn định hoặc tăng nhẹ. Các địa phương còn lại có mức điểm sụt giảm rõ rệt, cụ thể là Bắc Hà, Bảo Thắng, Bát Xát. Điều này ảnh hưởng lớn đến thứ hạng của các địa phương trong bảng điểm tổng hợp.
Riêng thành phố Lào Cai có mức điểm 7,39, là địa phương duy nhất thuộc nhóm “khá”. Thành phố Lào Cai được các cơ sở sản xuất, kinh doanh ghi nhận tích cực ở các chỉ tiêu liên quan đến phổ biến thông tin quy phạm pháp luật (7,97 điểm), đối xử công bằng khi tiếp cận thông tin kinh doanh (7,87 điểm), tiếp cận cơ hội kinh doanh (7,83 điểm), công khai các khoản thu ngân sách (7,9 điểm). Năm 2020, thành phố Lào Cai đã tập trung công khai các thủ tục hành chính công, các dự án, quy hoạch; đổi mới quy trình, thủ tục giao dịch trong giải quyết công việc với công dân và doanh nghiệp. Theo ý kiến của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã, phường được niêm yết công khai tại nhà văn hóa khu dân cư nhằm giúp dễ dàng tra cứu, chuẩn bị đầy đủ các thành phần hồ sơ trước khi giao dịch tại xã, phường, tránh phải đi lại nhiều lần. Bên cạnh đó, thành phố Lào Cai đang đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính mức độ 3, 4.
Khi xem xét các chỉ tiêu liên quan đến mức độ công khai, minh bạch, tất cả các chỉ tiêu đều giảm từ 0,2 – 0,8 điểm, vắng bóng các chỉ tiêu có điểm số tích cực. Đáng chú ý, “mức độ thuận lợi khi tiếp cận và tính công khai của thông tin về chương trình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh” giảm 0,77 điểm, “Hiệu quả trang web của huyện nhằm cung cấp thông tin cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh” giảm 0,79 điểm; “Hiệu quả của việc sử dụng các thông báo nơi công cộng và đài phát thanh huyện trong việc cung cấp thông tin cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh” giảm 0,51 điểm.
Nhìn chung, phổ biến các thông tin pháp luật, quy hoạch, quy định có liên quan để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn được các cơ sở nhìn nhận tích cực, chủ động, ở mức 7,82 điểm. Văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, huyện, bản đồ, quy hoạch sử dụng đất của huyện; các thông tin công khai về giải tỏa và giá đền bù trong giải phóng mặt bằng có mức điểm lần lượt là 6,94 và 6,74 điểm, giảm so với năm 2019, rơi khỏi ngưỡng điểm khá, là những vấn đề mới phát sinh trong năm 2020.
Về mức thuế phải nộp, chỉ tiêu này cũng giảm 0,57 điểm so với năm 2019, nhưng vẫn ổn định trong ngưỡng khá 7,14 điểm. Nhìn vào chỉ tiêu này, có thể thấy sự chênh lệch rõ ràng giữa Văn Bàn, thành phố Lào Cai, Si Ma Cai với các địa phương còn lại. 3 địa phương kể trên được cơ sở sản xuất, kinh doanh đánh giá ở mức điểm khá. Mặc dù vậy, kết quả này không quá lạc quan khi xét trên bình diện chung, điểm số và niềm tin của các cơ sở sản xuất, kinh doanh về tính minh bạch, công khai giảm.
Tương tự, việc minh bạch về “Chương trình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh (vay vốn ưu đãi, chương trình khuyến nông, khuyến công…)” cũng được ghi nhận tốt hơn ở Văn Bàn, thành phố Lào Cai, Si Ma Cai so với các địa phương còn lại.
Thông tin về đấu thầu, mua sắm công của các công trình, dịch vụ do huyện quản lý, bức tranh u ám hơn với điểm số hầu hết dưới 7 điểm, sự đảo chiều đáng kể thứ hạng của các huyện, thị xã, thành phố. Công khai, minh bạch trong đấu thầu đòi hỏi nhiều nỗ lực của các địa phương. Đây cũng là một trong những thước đo giá trị của đấu thầu, ảnh hưởng đến thời gian và chi phí của các cơ sở sản xuất, kinh doanh – chỉ số thành phần Lào Cai đạt điểm số rất thấp trong bảng xếp hạng PCI. Do đó, nếu không thực sự nâng cao hiệu quả minh bạch thông tin và đối xử công bằng nói chung, trong công tác đầu thầu và mua sắm công nói riêng, môi trường kinh doanh của các địa phương và toàn tỉnh sẽ gặp không ít chông gai trên con đường cải cách.
Dường như việc ứng dụng cổng thông tin của các huyện trong cung cấp các thông tin cần thiết cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại huyện vẫn chưa đạt được kỳ vọng, đúng và đủ nhu cầu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Điểm số của chỉ tiêu này không những được cải thiện mà còn giảm mạnh so với năm 2019 (giảm 0,79 điểm). Mặc dù đây là điểm yếu được chỉ ra từ kết quả khảo sát năm 2019, nhiều địa phương đã xây dựng phương án cải thiện tình trạng trên.
Những số liệu về tỷ trọng đánh giá tính hiệu quả của các thông tin điện tử trong cung cấp thông tin hỗ trợ sản xuất, kinh doanh có thể thấy rằng có sự hiện diện của việc cung cấp thông tin nhưng tính hiệu quả còn thấp, chưa đạt được mức mong muốn và đúng nhu cầu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, so với năm 2019, các kênh cung cấp thông tin truyền thống như thông báo nơi công cộng và đài phát thanh huyện kém hiệu quả hơn theo đánh giá của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nếu năm 2019, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh cho rằng các kênh thông tin này “rất hiệu quả” hoặc “khá hiệu quả” chiếm đến 69,75% thì đến năm 2020, con số này giảm còn 47,55%.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và tiến bộ khoa học trong và ngoài nước, khi các cách cung cấp thông tin truyền thống trở nên kém phù hợp, việc cập nhật và ứng dụng cách phương thức cung cấp thông tin mới lại không được đẩy mạnh. Điều đó dẫn đến một dự báo kém khả quan cho minh bạch thông tin trong thời gian tới. Tất cả các địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này và có những giải pháp để nâng cao hiệu quả chỉ số minh bạch thông tin và đối xử công bằn trong DDCI.
Vân Thảo
Related Posts
Trả lời Hủy
Bài viết mới
- Báo cáo chỉ số năng lực canh tranh cấp huyện và sở ban ngành năm 2021
- Lào Cai xếp thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
- Kết quả nổi bật, toàn diện trong cải cách hành chính
- Tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo từ góc nhìn DDCI sở, ban, ngành
- Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh nhìn từ DDCI cấp huyện