-
- DDCI Lào Cai là gì?
DDCI Lào Cai (viết tắt Lao Cai Department and District Competitiveness Index) là Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ban, ngành tỉnh Lào Cai.
Khảo sát DDCI Lào Cai trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.
- Mục tiêu khảo sát DDCI Lào Cai là gì?
– Nhằm xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của các cơ quan, địa phương đối với cộng đồng kinh doanh. Đây cũng chính là hoạt động góp phần thực hiện yêu cầu của Chính phủ trong thời gian gần đây về chuyển từ chính quyền quản lý sang xây dựng chính quyền phục vụ.
– Cung cấp cho Lãnh đạo tỉnh một công cụ hiệu quả để giảm sát và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các cơ quan, địa phương. Phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp qua điều tra DDCI cung cấp những thông tin chân thực, khách quan về quá trình thực hiện thủ tục hành chính và làm việc với các cơ quan, địa phương. Đây chính là nguồn thông tin tham khảo độc lập, khách quan cho Lãnh đạo tỉnh để có chỉ đạo kịp thời nhằm cải thiện chất lượng hoạt động của các đơn vị có liên quan.
– Giúp Lãnh đạo tỉnh xác định được những thực tiễn tốt trong cải cách hành chính tại chính các cơ quan, địa phương, để từ đó nhân rộng ra các đơn vị khác. Đây cũng là cách để khích lệ và phát huy sự năng động, sáng tạo của các cơ quan, địa phương trong việc thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh về nâng cao chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư.
– Hỗ trợ lãnh đạo các cơ quan, địa phương cải thiện hiệu quả hoạt động của đơn vị mình; nhận diện rõ những điểm mạnh cần phát huy và những hạn chế cần khắc phục trong hoạt động của cơ quan, địa phương trong diện đánh giá. Từ đó, lãnh đạo các cơ quan, địa phương có thể xác định trọng tâm cải cách, lựa chọn và triển khai các giải pháp phù hợp thực tế và kịp thời.
– Hướng tới tạo sự cạnh tranh, thi đua lành mạnh giữa các cơ quan, địa phương trong việc cải thiện mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, từ đó góp phần vào nỗ lực chung của chính quyền tỉnh trong việc tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
– Tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để các thành phần kinh tế tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền địa phương và các sở, ngành trong việc nâng cao chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại địa phương. Việc triển khai DCCI Lào Cai sẽ giúp nắm bắt, thu thập thường xuyên các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng kinh doanh tại địa phương, phản ánh kịp thời tới các cơ quan nhà nước có liên quan tại tỉnh để có giải pháp xử lý nhanh chóng và hiệu quả.
- Các chỉ số thành phần của bộ chỉ số DDCI Lào Cai?
3.1. Bộ chỉ số thành phần đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị xã, thành phố gồm 11 chỉ số, cụ thể:
- (1) Chi phí gia nhập thị trường.
- (2) Khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh.
- (3) Hiệu quả trong cấp phép và thanh tra, kiểm tra.
- (4) Hiệu quả thủ tục thuế.
- (5) Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo huyện.
- (6) Hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình.
- (7) Minh bạch thông tin và đối xử công bằng.
- (8) Hiệu quả cải cách thủ tục hành chính và bộ phận một cửa.
- (9) Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh.
- (10) Chi phí không chính thức.
- (11) Hiệu quả của công tác an ninh trật tự đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn.
Bên cạnh đó DDCI cấp huyện bao gồm một số chỉ số thành phần mở rộng như: (i) Ứng dụng công nghệ thông tin (chính phủ điện tử) trong quản lý, điều hành; (ii)Chi phí và thời gian thực hiện TTHC và dịch vụ công; (iii)Chú ý tới phát triển bền vững và bao trùm trong quản lý, điều hành kinh tế.
3.2. Bộ chỉ số thành phần đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành gồm 06 chỉ số, cụ thể:
- (1) Hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch.
- (2) Chất lượng dịch vụ công.
- (3) Minh bạch thông tin và đối xử công bằng.
- (4) Tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo.
- (5) Chi phí không chính thức.
- (6) Hỗ trợ kinh doanh và doanh nghiệp
Bên cạnh đó DDCI sở, ban, ngành bao gồm một số chỉ số thành phần mở rộng như: (i) Ứng dụng công nghệ thông tin (chính phủ điện tử) trong quản lý, điều hành; (ii)Chi phí và thời gian thực hiện TTHC và dịch vụ công; (iii)Chú ý tới phát triển bền vững và bao trùm trong quản lý, điều hành kinh tế.
- Khảo sát DDCI Lào Cai sử dụng những phương pháp nào?
Mục đích khảo sát: Thu thập thông tin từ các cơ sở SXKD của tỉnh Lào Cai, bao gồm các chủ doanh nghiệp là phụ nữ, nam giới, dân tộc Kinh và các nhóm dân tộc thiểu số và doanh nghiệp làm việc với phụ nữ, nam giới và các nhóm dân tộc về cảm nhận, đánh giá của họ đối với năng lực điều hành kinh tế và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư của chính quyền địa phương tại các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Đối tượng khảo sát: Chủ các cơ sở SXKD (có đăng ký kinh doanh), các doanh nghiệp (có đăng ký theo luật Doanh nghiệp).
Phạm vi khảo sát: 09 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Lào Cai.
Phương pháp khảo sát: Điều tra chọn mẫu bằng phỏng vấn (sample survey interview). DDCI Lào Cai thí điểm điều tra trực tuyến (khảo sát bằng phiếu điện tử trên Cổng thông tin điện tử, trang DDCI của tỉnh, Trang dịch vụ công trực tuyến…) khoảng 10% bên cạnh việc phỏng vấn trực tiếp nhằm hỗ trợ việc thu thập thêm phiếu khảo sát tại tỉnh.
Gửi câu hỏi