DDCI đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh Lào Cai (tên gọi tiếng Anh là Lao Cai Department & District Competitiveness Index; tên gọi tắt là Chỉ số DDCI tỉnh Lào Cai) được thực hiện trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp; HTX; Hộ kinh doanh cá thể là cơ sở để các cơ quan, địa phương có những đánh giá, nhận thức và hành động nhằm cải thiện môi trường đầu tư và triển vọng kinh doanh tại tỉnh. Nghiên cứu giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.
Mục tiêu
Khảo sát DDCI trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành giữa các cơ quan và giữa các địa phương, từ đó tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.
Tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành trong việc nâng cao chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại Lào Cai. Trên cơ sở đó nghiên cứu giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh những năm tiếp theo, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.
Yêu cầu
Phương pháp luận xây dựng Bộ khung chỉ số DDCI được lựa chọn trên cơ sở kế thừa Bộ khung chỉ số DCI Lào Cai đã triển khai từ năm 2014, đồng thời đảm bảo tính tương thích cơ bản với các chỉ số thành phần của chỉ số PCI, phù hợp với thực tiễn của Lào Cai.
Việc khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực về những vấn đề đang được nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm khi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính; phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như những khó khăn, vướng mắc của các thành phần kinh tế.
Kết quả khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được tổng hợp, phân tích, đánh giá khoa học, toàn diện, khách quan, minh bạch để báo cáo lãnh đạo tỉnh; đồng thời là căn cứ để các cơ quan, địa phương tiếp thu ý kiến góp ý của các thành phần kinh tế, từ đó tiếp tục phát huy những điểm mạnh và nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
Phạm vi và nội dung khảo sát lấy ý kiến
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể và nhà đầu tư đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Đánh giá về năng lực điều hành của chính quyền các địa phương, lãnh đạo các sở, ban ngành trong thực hiện chức năng nhiệm vụ liên quan đến môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng sự hài lòng của các thành phần kinh tế.
Đề xuất, kiến nghị các giải pháp về cơ chế chính sách của tỉnh, quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tinh thần, thái độ của các cấp chính quyền thuộc tỉnh trong giải quyết thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- DDCI (viết tắt của Department and District Competitiveness Index) là Bộ chỉ số đánh giá chất lượng năng lực điều hành các sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh. Bộ chỉ số này được xây dựng trên cơ sở ý kiến đánh giá, phản hồi của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Đối tượng đánh giá DDCI: Các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang nghiên cứu, đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Đối tượng được đánh giá DDCI: Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Nguyên tắc xây dựng Bộ chỉ số và cách thức triển khai đánh giá DDCI
Bộ chỉ số DDCI tỉnh Lào Cai được xây dựng và triển khai đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Chỉ số DDCI được xây dựng dựa trên các nội dung liên quan trực tiếp tới năng lực điều hành và phản ánh được các chức năng, nhiệm vụ thực tế mà các sở, ban, ngành và địa phương đang chịu trách nhiệm đảm nhận.
- Chỉ số DDCI phải phản ánh được cảm nhận của các đối tượng điều tra về kết quả xử lý các thủ tục hành chính nói riêng, năng lực và thái độ phục vụ của các sở, ban, ngành và địa phương nói chung.
Việc triển khai đánh giá DDCI phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Đảm bảo lượng hóa các chỉ số, chỉ tiêu; đảm bảo tính đa chiều trong đánh giá; đảm bảo tính thường xuyên liên tục của việc khảo sát, đánh giá.
- Đảm bảo tính trung thực, công khai, khách quan, công bằng; phản ánh kịp thời, đúng tình hình thực tế kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và địa phương.
- Được tổ chức định kỳ hàng năm. Kết quả DDCI được công bố, công khai và làm cơ sở để đánh giá công tác thi đua, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các sở, ban, ngành và địa phương.
Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở ban ngành và địa phương
- Bộ chỉ số thành phần đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị xã, thành phố (goi tắt DDCI cấp huyện) gồm 11 chỉ số, cụ thể:
- (1) Chi phí gia nhập thị trường.
- (2) Khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh.
- (3) Hiệu quả trong cấp phép và thanh tra, kiểm tra.
- (4) Hiệu quả thủ tục thuế.
- (5) Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo huyện.
- (6) Hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình.
- (7) Minh bạch thông tin và đối xử công bằng.
- (8) Hiệu quả cải cách thủ tục hành chính và bộ phận một cửa.
- (9) Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh.
- (10) Chi phí không chính thức.
- (11) Hiệu quả của công tác an ninh trật tư đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn
Bên cạnh đó DDCI cấp huyện bao gồm một số chỉ số thành phần mở rộng như: (i) Ứng dụng công nghệ thông tin (chính phủ điện tử) trong quản lý, điều hành; (ii)Chi phí và thời gian thực hiện TTHC và dịch vụ công; (iii)Chú ý tới phát triển bền vững và bao trùm trong quản lý, điều hành kinh tế.
- Bộ chỉ số thành phần đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở,ban, ngành gồm 06 chỉ số, cụ thể:
- (1) Hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch.
- (2) Chất lượng dịch vụ công.
- (3) Minh bạch thông tin và đối xử công bằng.
- (4) Tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo.
- (5) Chi phí không chính thức.
- (6) Hỗ trợ kinh doanh và doanh nghiệp
Bên cạnh đó DDCI sở, ban, ngành bao gồm một số chỉ số thành phần mở rộng như: (i) Ứng dụng công nghệ thông tin (chính phủ điện tử) trong quản lý, điều hành; (ii)Chi phí và thời gian thực hiện TTHC và dịch vụ công; (iii)Chú ý tới phát triển bền vững và bao trùm trong quản lý, điều hành kinh tế.