LCĐT – Trong bối cảnh các tỉnh, thành trên cả nước đang thực hiện mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nếu không có các giải pháp mạnh mẽ, Lào Cai sẽ có nguy cơ bị tụt lại phía sau.

Bức tranh PCI Lào Cai năm 2020

Theo kết quả Chỉ số PCI năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, tỉnh Lào Cai đạt 65,25 điểm, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành trong cả nước, thuộc nhóm điều hành khá (so với năm 2019, tăng 9 bậc). Điều này phản ánh sự tích cực, năng động của chính quyền và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp dành cho chính quyền tỉnh Lào Cai.
Đi sâu phân tích kết quả cho thấy, các chỉ số quan trọng đều chuyển biến tích cực. Qua khảo sát, doanh nghiệp đánh giá việc tiếp cận các tài liệu quy hoạch, pháp lý, ngân sách khá thuận lợi và có sự cải thiện về khả năng dự đoán trong thực thi chính sách. Việc tiếp cận thông tin văn bản nhanh hơn và công bằng hơn. Hiệp hội Doanh nghiệp Lào Cai có vai trò nổi bật so với nhiều hiệp hội doanh nghiệp khác trong vùng. Rủi ro bị thu hồi đất thấp và tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn với thủ tục hành chính đất đai giảm. Thời gian giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh cũng giảm đáng kể. Đa số doanh nghiệp có thể nhanh chóng hoàn thành các thủ tục sau đăng ký kinh doanh để bắt đầu sản xuất.

Hội nghị chuyên đề về PCI

Tuy nhiên, những chỉ số thấp cũng cho thấy Lào Cai vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, tình trạng nhũng nhiễu trong thanh tra, kiểm tra vẫn xảy ra, số giờ làm việc với cơ quan thuế khá lớn. Tình trạng ưu ái doanh nghiệp “thân quen” dù giảm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình cả nước.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Phòng Pháp chế VCCI, các địa phương hay so sánh mình với trước đây hiển nhiên sẽ thấy các chỉ số đều được nâng lên, tuy nhiên, nếu so với các tỉnh xung quanh mới thấy mình đang tụt hậu. Tỉnh Lào Cai cần tránh tư duy theo hướng này.

Gợi ý để Lào Cai có những hướng đi phù hợp, ông Đậu Anh Tuấn ví dụ tỉnh Đồng Tháp lấy sự thân thiện, tận tụy phục vụ doanh nghiệp của chính quyền để bù đắp cho sự bất lợi về vị trí, tài nguyên. Đây cũng là nơi cho ra đời nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp, điển hình là “Cà phê doanh nhân”. Còn tỉnh Quảng Ninh với chỉ số đứng đầu ở việc thực thi chính sách cũng đáng để Lào Cai tham khảo.

Theo dõi chỉ số PCI của Lào Cai nhiều năm, ông Tuấn chia sẻ, những năm đầu chỉ số PCI được đưa vào như một công cụ đánh giá năng lực điều hành của chính quyền địa phương và Lào Cai luôn nằm trong tốp đầu. Thời gian gần đây, dù có nhiều thuận lợi hơn, đặc biệt là sự phát triển mạnh của hạ tầng giao thông kết nối thì xếp hạng của tỉnh lại có dấu hiệu đi xuống, đây là vấn đề cần được tỉnh nghiên cứu để cải thiện…

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2021, tỉnh Lào Cai phấn đấu chỉ số PCI đạt trên 72 điểm, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành “tốt”. Phấn đấu đến hết năm 2021, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tiếp tục đạt và vượt các chỉ tiêu đã đạt năm 2020. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cải thiện chỉ số PCI tỉnh Lào Cai năm 2021, trong đó nhấn mạnh mục tiêu tập trung cải thiện mạnh các thành phần có trọng số cao, điểm số sụt giảm trong năm 2020, gồm: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, đào tạo lao động…
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan có các giải pháp cụ thể nhằm nâng điểm từng chỉ số. Cụ thể, với chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”, mục tiêu đạt 7,9 điểm trở lên. Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực Tổ hỗ trợ doanh nghiệp, đầu mối tổng hợp thông tin, đôn đốc việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển và đóng góp cho địa phương.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Đối với chỉ số thành phần “Tiếp cận đất đai”, mục tiêu đạt 7,3 điểm trở lên. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, đề xuất các giải pháp, quy trình nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp từ 30 ngày xuống còn 15 ngày. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát quỹ đất công do nhà nước quản lý đang sử dụng chưa đúng mục đích hoặc không đạt hiệu quả cao; xây dựng phương án thu hồi và tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư.

Đối với chỉ số thành phần “Tính minh bạch”, mục tiêu đạt từ 7,4 điểm trở lên. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải công khai và kịp thời công bố thông tin về các quy hoạch đã được phê duyệt, kế hoạch sử dụng đất, danh mục dự án kêu gọi đầu tư; các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư…

Đối với chỉ số thành phần “Chi phí thời gian”, mục tiêu đạt từ 7,2 điểm trở lên. Chánh Văn phòng UBND tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá thủ tục hành chính; kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà, làm lãng phí thời gian và tăng chi phí của doanh nghiệp. Cục trưởng Cục thuế tỉnh nghiên cứu cải tiến quy trình, thủ tục nhằm rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp khi phải làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế để giảm số giờ cho mỗi cuộc làm việc xuống dưới 15 giờ…

Đối với chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức”, mục tiêu đạt từ 7,2 điểm trở lên, UBND tỉnh giao thủ trưởng các cơ quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Khẩn trương rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời phát hiện và thay thế những cán bộ, công chức, viên chức phẩm chất kém, năng lực yếu, có hành vi, biểu hiện, phản ánh về nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nâng cao và hiện đại hóa chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; tích cực triển khai các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 4 liên quan đến doanh nghiệp.

Đối với chỉ số thành phần “Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh”, mục tiêu đạt từ 7,5 điểm trở lên. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh – Tổ trưởng tổ hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh, nâng cao tần suất, hiệu quả đối thoại với doanh nghiệp. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hằng năm tổ chức tối thiểu 1 hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe, bày tỏ quan tâm của chính quyền với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại hội nghị chuyên đề về chỉ số PCI, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Lãnh đạo tỉnh rất muốn nghe doanh nghiệp phản ánh, không nhất thiết phải gửi văn bản mà có thể chỉ cần một cuộc điện thoại, một tin nhắn, qua đó nắm được khó khăn của doanh nghiệp và sẽ có hướng giải quyết ngay. Tới đây, tỉnh sẽ nghiên cứu ứng dụng theo dõi phản ánh của doanh nghiệp cũng như tiến độ giải quyết công việc của các sở, ngành liên quan…