LCĐT – Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh tại các địa bàn thuộc tỉnh là 1 trong 4 chỉ số thành phần có điểm thấp nhất trong xếp hạng DDCI 2019.

Điểm trung bình chung cho chỉ số này chỉ đạt 7,78 điểm, trong đó huyện cao nhất là Văn Bàn (8,37 điểm) và thấp nhất là thành phố Lào Cai (7,51 điểm). Có thể thấy rằng Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh là chỉ số thành phần tác động nhiều đến sự thay đổi trong bảng xếp hạng.

Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh cũng là chỉ số thành phần có điểm số thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần của Văn Bàn. Dù được đánh giá khá tốt từ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhưng với chỉ số thành phần này, Văn Bàn cũng chưa đạt được niềm tin và kỳ vọng cao từ các hộ sản xuất. Năm 2019, huyện Văn Bàn đạt 8,37 điểm.

Tại huyện Si Ma Cai, Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh đạt điểm số cao thứ 2 trong chỉ số thành phần, được đánh giá là trường hợp đáng để khích lệ. Đi sâu vào phân tích các chỉ tiêu, trong các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh được quan tâm của địa phương, các hộ kinh doanh của Si Ma Cai đánh giá cao với “Chương trình hỗ trợ, đào tạo nghề và tuyển dụng cho người lao động trên địa bàn huyện”, “Hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, tín dụng sản xuất, kinh doanh được triển khai ở huyện” và hỗ trợ “Khởi sự doanh nghiệp”. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi vấn đề khởi sự doanh nghiệp, lao động và nguồn vốn là 3 trụ cột chính trong phát triển của hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ở những điểm này, chính quyền Si Ma Cai được chủ các hộ sản xuất, kinh doanh thể hiện niềm tin lớn.

Thực tế cho thấy, Si Ma Cai là 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh được Nhà nước hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững thông qua Chương trình 30a. Trong những năm qua, điều kiện kinh tế của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại huyện có nhiều chuyển biến, môi trường kinh doanh cũng có những thay đổi. Nhiều mô hình kinh tế như trồng lê, mận, dược liệu, chăn nuôi lợn đen bản địa, chăn nuôi trâu sinh sản, chăn nuôi gà đen… được áp dụng và thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương, là tiền đề ra đời các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới. Công tác hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tín dụng sản xuất của địa phương được thực hiện hiệu quả. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, những kết quả thực tế đã phản ánh rõ thay đổi trong nhận thức và cách làm của cấp chính quyền, quản lý và người dân địa phương. Từng đồng vốn bỏ ra đã mang lại hiệu quả. Tổng dư nợ vốn vay chính sách trên địa bàn tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2015 – 2019, lên 206 tỷ đồng (tháng 5/2019). Chất lượng tín dụng chính sách cũng tăng, biểu hiện là mức độ hài lòng của chủ các hộ kinh doanh lên 8,64 điểm, cao nhất trong 9 huyện, thị xã, thành phố đánh giá cùng chỉ tiêu này.

Công tác đào tạo nghề của Si Ma Cai từ lâu vẫn được chính quyền huyện quan tâm, những thay đổi trên về lao động theo ghi nhận của người dân là tích cực, đạt 8,77 điểm. Qua đánh giá của chủ các cơ sở sản xuất và kinh doanh, huyện Si Ma Cai đang đi đúng hướng trong hỗ trợ kinh doanh tại địa phương. Tuy nhiên, sau khi có nguồn vốn, có cách làm chính quyền cần quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa tới các vấn đề như tiếp cận thị trường, ổn định thị trường và tiêu thụ sản xuất. Bằng chứng là chỉ tiêu “Xúc tiến thương mại, hỗ trợ liên kết, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm” tại Si Ma Cai chỉ đạt 7,45 điểm.

Sau Si Ma Cai thì Bát Xát và Bảo Thắng là 2 địa phương có điểm số chỉ số thành phần Hiệu quả các hoạt động hỗ trợ kinh doanh khả quan hơn các địa phương còn lại, với điểm số lần lượt là 7,97 và 7,82. Đặc điểm chung của 2 địa phương này là làm tốt công tác hỗ trợ đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ vay vốn ưu đãi… Tuy nhiên, các địa phương kể trên vẫn còn cần cải thiện trong xúc tiến thương mại, hỗ trợ liên kết và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cảm nhận của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh về chỉ tiêu xúc tiến thương mại là chưa cao và kỳ vọng của người dân còn lớn. Đặc biệt, khi huyện Bát Xát và huyện Bảo Thắng có nhiều sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cho các hộ nông dân nhưng đầu ra còn nhiều khó khăn và thường xuyên bị hư hao sản phẩm trong khâu vận chuyển. Thời gian gần đây, huyện Bát Xát và huyện Bảo Thắng đều tập trung cho các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao thì việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ liên kết càng trở nên cấp thiết. Các địa phương còn lại có mức điểm thấp hơn mức trung bình chung toàn tỉnh.

Đi sâu phân tích các chỉ tiêu có thể thấy rằng, hỗ trợ đào tạo dạy nghề (7,8 điểm), hỗ trợ về vốn (8,04 điểm) là các chỉ tiêu nhận được nhiều niềm tin từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bình diện chung cho thấy, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh còn thiếu và yếu cơ chế hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp (7,5 điểm), xúc tiến thương mại, hỗ trợ liên kết, tìm kiếm thị trường (7,47 điểm) và thi đua, khen thưởng (7,59 điểm). Xúc tiến thương mại là đặc biệt quan trọng, chẳng hạn như với trường hợp của Văn Bàn (địa phương đạt mức điểm cao nhất) cũng chỉ dừng lại ở 7,93 điểm, thuộc nhóm “khá”.

Những hạn chế qua phân tích độc lập, khách quan trên sẽ là cơ sở quan trọng để chính quyền các huyện, thành phố, thị xã nhìn lại hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh tại địa phương, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới.

MẠNH DŨNG