Lào Cai, cải thiện các chỉ số kinh tế – hành chính để thu hút đầu tư
Đến nay, Chính phủ đã phê duyệt 4 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, gồm 24 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (Bắc bộ có Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; Trung bộ có Thừa thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; Nam bộ có Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang; Đồng bằng sông Cửu Long có Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau).
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra đánh giá: “giai đoạn 2011-2019, GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm bình quân mỗi năm tăng 7,25%. Quy mô GRDP của 24 địa phương thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm so với GDP của cả nước ở mức > 70%. Cứ 1% tăng trưởng của 4 vùng kinh tế trọng điểm sẽ làm GDP cả nước tăng 0,61%”. Qua đó, Thủ tướng chỉ ra định hướng thu hút đầu tư phát triển cho 4 vùng kinh tế trọng điểm: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với trọng tâm là tam giác phát triển gồm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh thu hút đầu tư công nghệ cao, chế biến, chế tạo, điện tử, dịch vụ, tài chính ngân hàng, logistic, nông nghiệp công nghệ cao; Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, phát triển hệ sinh thái ô tô, các ngành dịch vụ vận tải, đặc biệt là du lịch; Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị, phát huy vai trò đầu tầu của thành phố Hồ Chí Minh; Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Sông Cửu Long phát triển các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt các loại nông sản chủ lực, tôm, cá tra, trái cây, phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thì sẽ xuất hiện làn sóng FDI đầu tư vào Việt Nam sau khi khống chế thành công đại dịch Covid-19, một số nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc, Thái Lan, Singapore … sang Việt Nam, đó chủ yếu là nhà đầu tư chiến lược, đang làm chủ công nghệ, đứng đầu các chuỗi giá trị quốc tế. Và tất nhiên lựa chọn địa điểm đầu tư hàng đầu của các nhà đầu tư lớn này sẽ là các vùng kinh tế trọng điểm nêu trên. Khi đó, phân vùng đầu tư tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam sẽ có biến động đáng kể. Những nhà đầu tư vừa, nhỏ sẽ có xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư đến các vùng kinh tế vệ tinh hoặc ngoài các vùng kinh tế trọng điểm. Họ sẽ lựa chọn những nơi được ưu đãi tối đa và dư địa đầu tư dồi dào, có độ năng động cần thiết, được kết nối giao thông tốt và thuận lợi về xuất, nhập khẩu. Với quan điểm thu hút đầu tư xuyên suốt hơn 20 năm qua là “Doanh nghiệp phát tài – Lào Cai phát triển”, Lào Cai có cơ hội và mong muốn thu hút được xu hướng đầu tư này, nhất là về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Quan điểm xuyên suốt hơn 20 năm: Doanh nghiệp phát tài – Lào Cai phát triển
Trước cơ hội mới, cách thức thu hút đầu tư của tỉnh phải có những chuyển động phù hợp “Lào Cai chào đón nhà đầu tư với cam kết minh bạch, công bằng, thân thiện”. Về lĩnh vực thu hút đầu tư, dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI định hướng “sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh; từng bước khẳng định là trung tâm luyện kim, hóa chất, phân bón của vùng và cả nước”. Mục tiêu này là đúng đắn và Lào Cai có cơ sở để phát triển thành trung tâm luyện kim, hóa chất, phân bón của vùng và cả nước. Tuy nhiên, để làm được như vậy, Lào Cai phải cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và căn cơ. Trong thời gian sớm nhất tỉnh cần phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm rõ quy hoạch Lào Cai trong chiến lược phát triển công nghiệp toàn quốc. Trước mắt, Lào Cai vẫn sẽ tiếp tục thu hút đầu tư có lựa chọn các dự án công nghiệp nặng vào Khu công nghiệp Tằng Loỏng và các khu vực phát triển công nghiệp kết hợp khai khoáng với chế biến khác như Tả Phời (thành phố Lào Cai) hay Bản Qua, Bản Vược (huyện Bát Xát). Bên cạnh đó, Lào Cai cũng vẫn sẽ thu hút đầu tư các dự án phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ phục vụ lợi thế thương mại cửa khẩu, dịch vụ như kho vận, đóng gói, bao bì, dệt may … vào Khu công nghiệp Đông Phố Mới và các khu, cụm công nghiệp vệ tinh khác như Thống Nhất, Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai); Thái Niên (Bảo Thắng); Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược (Bát Xát).
Phát triển thương mại với Trung Quốc là thế mạnh lớn của Lào Cai so với các tỉnh khác khi đã có đường cao tốc, đường sắt liên vận và sắp tới là đường hàng không, đường thủy nội địa. Vì vậy, tỉnh nên tiếp tục phát triển theo hướng này, trong đó chú trọng nhất là thúc đẩy các dịch vụ logistic; nếu logistic phát triển tốt sẽ cạnh tranh được với các tỉnh khác có điều kiện tương đồng như Lạng Sơn, Quảng Ninh; về nguyên tắc thì ở đâu logistic tăng trưởng ổn định thì dịch vụ nội địa và thương mại quốc tế sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Hiện nay, tỉnh cần thúc đẩy xuất, nhập khẩu chính ngạch; tận dụng vai trò điểm trung chuyển trên hành lang Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh tốt hơn để gia tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu với thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, Lào Cai vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch, du lịch Lào Cai hiện nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chiến lược phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn tới là đưa du lịch Sa Pa thành điểm đến quốc tế tầm cỡ; đẩy mạnh du lịch vui chơi, mua sắm tại thành phố Lào Cai và du lịch văn hóa tại Bắc Hà; khai thác du lịch Bát Xát với trọng điểm là khu vực Y Tý nơi có những giá trị khác biệt vượt trội để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Lào Cai chào đón nhà đầu tư với cam kết minh bạch, công bằng, thân thiện
Để tạo ra môi trường kinh doanh khẳng định “Lào Cai là điểm nên đến, cần đến, phải đến của nhà đầu tư” trong giai đoạn tới, tỉnh cần làm tốt các nhóm việc sau: (1) Quy hoạch rõ ràng, danh mục thu hút đầu tư khả thi là những nội dung cần luôn được chuẩn bị và cập nhật thường xuyên; (2) Không hạch sách, chây ỳ, gây khó khăn đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp mà sẽ thành lập từng “tổ chuyên gia phục vụ” đồng hành cùng nhà đầu tư hoàn thành từng hồ sơ dự án, với các thủ tục hành chính chỉ cần 10-20% thời gian quy định; (3) Ưu đãi hỗ trợ đầu tư về thuế, đất, tín dụng phải theo quy định chung, do đó Lào Cai cần tạo ra khác biệt bằng việc thực hiện giải phóng mặt bằng siêu nhanh hoặc chủ động chuẩn bị mặt bằng sạch cho từng dự án; (4) Trên nguyên tắc phát triển “thông đường – thông điện – thông tin – thông thương”, cần cung cấp hạ tầng thật tốt phục vụ các dự án, bao gồm giao thông, điện, nước, thông tin; (5) Cần nâng cao trình độ nhân lực lao động tại chỗ, cùng với đó là có cơ chế thu hút lao động cơ bản, lao động giỏi từ các địa phương khác về với Lào Cai.
Lào Cai là điểm nên đến, cần đến, phải đến của nhà đầu tư
Để làm tốt 5 nhóm công việc nêu trên, Lào Cai cần phải học tập Quảng Ninh trong cải thiện các chỉ số kinh tế – hành chính. Quảng Ninh là tỉnh có 4 thành phố, 2 thị xã, 2 khu kinh tế Quảng Ninh và Vân Đồn; Quảng Ninh hiện dẫn đầu toàn quốc về thu hút đầu tư với các chỉ số kinh tế – hành chính quan trọng đều đứng số 01. Hãy cùng điểm lại vị trí của Lào Cai và Quảng Ninh trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua các bảng xếp hạng chỉ số kinh tế – hành chính (năm 2019) được quan tâm nhất hiện nay: (1) Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), PAPI 2019 Lào Cai đang xếp thứ 13/63 (tỉnh có chỉ số PAPI 2019 cao nhất là Quảng Ninh, trong khi tỉnh có chỉ số PAPI 2019 thấp nhất là Bình Định); (2) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), PCI 2019 Lào Cai xếp hạng 12/63 (Quảng Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bắc Ninh và Đà Nẵng lần lượt là 05 địa phương có xếp hạng PCI 2019 cao nhất); (3) Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS), năm 2019 Lào Cai đạt 83,05%, chỉ xếp thứ 43/63 (hiện Quảng Ninh dẫn đầu với 95,26%, Bình Thuận thấp nhất đạt 73,81%); (4) Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), năm 2019 Lào Cai được 82,85 điểm, xếp thứ 15/63 (hiện Quảng Ninh dẫn đầu với 90,09 điểm, Bến Tre có chỉ số thấp nhất là 73,87 điểm).
Tổng hợp sau công bố PAPI, PCI, SIPAS và PAR index năm 2019 và qua theo dõi nhiều năm, có thể thấy Lào Cai đã có những tiến bộ nhất định ở một số chỉ tiêu so sánh. Tuy nhiên, còn khá nhiều chỉ số thành phần chưa có sự vượt trội so với sự tiến bộ của các tỉnh khác, thậm chí vẫn có chỉ số ở nhóm không tốt, không đảm bảo lợi thế ưu tiên, cản trở sự phát triển của tỉnh. Giải pháp tốt nhất Lào Cai cần thực hiện là khẩn trương nâng cao vị thế của tỉnh trong cả 4 chỉ số kinh tế – hành chính quan trọng nêu trên (và chỉ nên tích hợp trong cùng một chiến lược nâng hạng chung chứ không phân chia ra làm 4 kế hoạch riêng biệt). Điều đó đặt ra yêu cầu cho Lào Cai về việc quyết liệt cải cách hành chính theo hướng phục vụ công dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tốt hơn; tạo cơ hội và môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, công bằng, thân thiện. Đặc biệt, phải tập trung giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường và thời gian giải quyết phi chính thức ở mọi cấp độ; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã; nâng cao năng lực quản trị bảo vệ môi trường từ cơ sở; chủ động đào tạo lao động thiết thực theo nhu cầu thực tế; thiết lập hiệu quả thiết chế pháp lý và đảm bảo tốt an ninh trật tự an toàn xã hội …
Cao Bá Quý
Related Posts
Trả lời Hủy
Bài viết mới
- Báo cáo chỉ số năng lực canh tranh cấp huyện và sở ban ngành năm 2021
- Lào Cai xếp thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
- Kết quả nổi bật, toàn diện trong cải cách hành chính
- Tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo từ góc nhìn DDCI sở, ban, ngành
- Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh nhìn từ DDCI cấp huyện