LCĐT – Chiều 16/12, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị tập huấn về pháp luật doanh nghiệp cho doanh nghiệp nữ. Tham dự tập huấn có các chuyên gia Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; Hội đồng Doanh nhân nữ VCCI và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nhân nữ

Theo các chuyên gia Hội đồng Doanh nhân nữ VCCI, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nhân nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 24/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nêu ra giải pháp ban hành chính sách đặc thù “chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Quang cảnh hội nghị.

Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có nêu rõ “ưu tiên chương trình trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ”. Trong Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017, tại Mục 5, Điều 5 (Nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) quy định trong trường hợp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định thì ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ hơn. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 939/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025. Đối tượng thụ hưởng của đề án là phụ nữ có ý tưởng, có nhu cầu khởi nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã. Ưu tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn, chuyển đổi đất nông nghiệp. Mục tiêu của đề án là đến năm 2025 hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Các chuyên gia Hội đồng Doanh nhân nữ VCCI cho rằng, giải pháp để hỗ trợ doanh nhân nữ phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả là Chính phủ cần hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Chú trọng công tác lồng ghép giới trong xây dựng chính sách pháp luật; cẩn trọng trong đánh giá tác động về giới, lồng ghép giới trong chính sách. Xây dựng khung chiến lược về phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách cần được nâng cao hiểu biết về bình đẳng giới…

Lào Cai tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ     

Các ý kiến thảo luận tại buổi tập huấn khẳng định, những năm qua, các chính sách hỗ trợ của tỉnh Lào Cai đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh do phụ nữ làm chủ đã đem lại cơ hội tiếp cận thực chất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Các hỗ trợ về tài chính tuy hạn chế nhưng đã góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và hiệu quả hơn.

Nhiều chính sách hỗ trợ đã góp phần phát triển các cơ sở kinh doanh, HTX do phụ nữ làm chủ.

Tuy nhiên, doanh nhân nữ, doanh nghiệp cho phụ nữ làm chủ vẫn gặp một số khó khăn nhất định về vốn, nhân lực có trình độ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp hạn chế trong tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật, thủ tục hành chính. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp một số trở ngại, thách thức khác như một số trường hợp thông tin hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không đến được với những doanh nghiệp thực sự có nhu cầu. Hoặc một số chính sách hỗ trợ chưa phù hợp, một số chính sách hỗ trợ đã có nhưng thực chất chưa đến được với doanh nghiệp.

Đại diện Hội Phụ nữ tỉnh cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp dưới hình thức lồng ghép các dự án, danh mục đầu tư ở địa phương. Hỗ trợ nâng cao chất lượng lực lượng lao động cho các doanh nghiệp bằng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp nhằm phổ biến các thông tin chính sách pháp luật cũng như các chính sách hỗ trợ của nhà nước và địa phương cho doanh nghiệp. Định kỳ, chính quyền địa phương nên tổ chức các cuộc gặp gỡ trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp, để các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được những vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; từ đó chính quyền có những giải pháp kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.