Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh nhìn từ DDCI cấp huyện
LCĐT – Nếu như năm 2019 “Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh” tại các địa bàn thuộc tỉnh Lào Cai là một trong bốn chỉ số thành phần có điểm thấp nhất, thì đến năm 2020, chỉ số này tiếp tục giảm sút một thang điểm, xuống vị trí 8/11 trong bảng xếp hạng các chỉ số thành phần. Đây cũng là một trong những nội dung được đánh giá trong PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Với sự cải cách chậm chạp tại một số chỉ tiêu và sụt giảm điểm với chỉ số thành phần tổng hợp, bức tranh về cải thiện hỗ trợ hoạt động kinh doanh của Lào Cai vẫn còn nhiều tồn tại.
Chỉ số thành phần “Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh” đạt 7,24 điểm, giảm 0,54 điểm so với năm 2020. Ngoại trừ Văn Bàn và thành phố Lào Cai tiếp tục có những hỗ trợ nhận được đánh giá cao từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các địa phương còn lại đều giảm điểm. Đáng chú ý, không những giảm điểm tổng thể, tất các các chỉ tiêu của các địa phương còn lại đều giảm.
Ngay cả Văn Bàn là địa phương có điểm số tốt, thì “Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh” cũng vẫn là chỉ số thành phần thấp điểm nhất trong các chỉ số thành phần của huyện. Thực trạng này diễn ra từ năm 2019 và đến năm 2020, hỗ trợ kinh doanh vẫn không đuổi kịp tốc độ cải thiện của các lĩnh vực khác tại huyện. Si Ma Cai là địa phương đã từng được đánh giá tích cực trong hỗ trợ sản xuất, kinh doanh năm 2019. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong kỳ đánh giá năm 2019 đều rất hài lòng và mong đợi những hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các năm tiếp theo. Tuy nhiên, hiệu quả hỗ trợ này giảm đi rõ rệt thông qua quan sát điểm số năm 2020. Si Ma Cai giảm 0,78 điểm, dừng lại ở mức 7,27 điểm. Mặc dù vậy, điểm số của Si Ma Cai chưa phải thấp nhất trong bảng xếp hạng. Với mức điểm dưới ngưỡng 7, Bắc Hà, Bảo Yên, Sa Pa còn rất nhiều thách thức trong năm tiếp theo để cải thiện chỉ số thành phần này.
![]() |
Biểu đồ điểm số chỉ số thành phần “Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh”. |
Đi sâu phân tích các chỉ tiêu, “Hiệu quả của chương trình hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh khởi sự doanh nghiệp” là chỉ tiêu có điểm số thấp nhất (7,02 điểm) với 7/9 huyện, thị xã, thành phố có mức điểm dưới trung bình chung. Lý giải cho điều này có thể thấy rằng, việc thành lập các hộ kinh doanh tại cấp huyện năm 2020 hạn chế dưới tác động của khó khăn kinh tế chung. Một số hộ kinh doanh thành lập chủ yếu theo tiền lệ, tự phát và nhận được ít hướng dẫn, hỗ trợ của địa phương.
Tiếp theo chỉ tiêu về khởi sự kinh doanh, “Hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại (liên kết ngành nghề, tìm kiếm thị trường)” cũng được đánh giá. Văn Bàn, thành phố Lào Cai và Si Ma Cai có điểm số trên mức trung bình chung với 7,07 điểm. Các địa phương còn lại dừng lại ở mức điểm trung bình. Năm 2020, việc tìm kiếm thị trường và xúc tiến thương mại hạn chế, ít nhiều ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh vốn rất lúng túng trong việc tìm đầu ra sản phẩm, nay lại càng khó khăn khi điều kiện xuất – nhập khẩu bị kiểm soát chặt chẽ do dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, “Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kế hoạch tuyển dụng và hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho người lao động trên địa bàn cấp huyện”; “Hiệu quả công tác phổ biến thông tin ưu đãi vốn vay và các chương trình tín dụng sản xuất, kinh doanh” cũng không cho thấy những tín hiệu khả quan khi điểm số lần lượt là 7,11 và 7,25, giảm tương ứng 0,69 và 0,79 điểm so với năm 2019. Lao động và vốn là những trụ cột đáng kể với các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ lẻ. Do đó, hiệu quả hỗ trợ kém sẽ không tạo nên khác biệt và đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tương tự, hiệu quả tổ chức, thực hiện các chương trình thi đua, khen thưởng các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sự quan tâm của chính quyền huyện về bình đẳng giới và dân tộc thiểu số trong các chương trình hỗ trợ có mức điểm 7,06 và 7,91 đều giảm điểm so với năm 2019.
Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong một năm được dự báo kinh tế còn tiếp tục khó khăn là rất quan trọng. Đối với thị trường, niềm tin kinh doanh là yếu tố có tính nhạy cảm đặc biệt. Nếu thiếu niềm tin vào các tín hiệu của thị trường, cộng thêm cơ chế thiếu minh bạch, hỗ trợ thì cộng đồng các cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ rơi vào mất định hướng, tự phát. Thị trường tiếp tục thiếu vắng các cơ sở sản xuất, kinh doanh tìm ra cơ hội mới và dám đương đầu với các thách thức để tạo kết quả sản xuất khác biệt, gia tăng giá trị thặng dư cho xã hội. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chính quyền địa phương thể hiện vai trò năng động, trách nhiệm để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Vân Thảo
Related Posts
Trả lời Hủy
Bài viết mới
- Nghị quyết 41 – Điểm tựa phát triển và niềm hứng khởi của doanh nghiệp
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai: Phát huy vai trò cầu nối, tập hợp doanh nhân
- Lào Cai lợi thế và động lực phát triển
- Cơ hội kích cầu thương mại, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư
- Sáng 11/8, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường dẫn đầu đoàn công tác tỉnh Lào Cai đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn EREX Nhật Bản tại Hà Nội.