LCĐT – Theo khảo sát, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tại Lào Cai năm 2020 chưa tích cực. Chiếm quá nửa là các doanh nghiệp/hợp tác xã có doanh thu dưới 1 tỷ đồng. Về lợi nhuận, nếu như năm 2019, có 73,68% doanh nghiệp/hợp tác xã có lãi thì đến năm 2020, con số này giảm còn 40,43%. Số doanh nghiệp hòa vốn tăng lên 20,2%. Đáng chú ý, có tới 39,39% doanh nghiệp/hợp tác xã trong mẫu khảo sát báo lỗ. Tỷ lệ thua lỗ lớn tăng từ 1% năm 2019 lên đến 9,09% năm 2020.

Đối diện với những thách thức của năm qua, nhiều doanh nghiệp vẫn thể hiện niềm tin kinh doanh và mong muốn biến thách thức thành sức bật. 4,2% doanh nghiệp/hợp tác xã có kế hoạch mở rộng kinh doanh một cách đáng kể, 21,8% doanh nghiệp/hợp tác xã mở rộng kinh doanh một chút. 62% tiếp tục quy mô kinh doanh hiện tại. 1/4 trong tổng số doanh nghiệp/hợp tác xã được khảo sát vẫn kỳ vọng vào triển vọng kinh doanh trong năm tới sẽ khả quan hơn. Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng, tỷ lệ doanh nghiệp/hợp tác xã dự định đóng cửa, dừng sản xuất, kinh doanh tăng trên hai lần (từ 1,75% năm 2019 lên 4% năm 2020). Bên cạnh đó, tỷ trọng doanh nghiệp/hợp tác xã giảm quy mô kinh doanh cũng tăng từ 4,01% năm 2019 lên gần gấp đôi, ở ngưỡng 8% năm 2020. Những số liệu trên phản ánh tình hình khó khăn thực tế trong sản xuất, kinh doanh và kỳ vọng kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong năm 2020 nhiều biến động.

Mặc dù sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, 500 doanh nghiệp/hợp tác xã trong mẫu khảo sát vẫn tạo việc làm cho 14.656 lao động, tương đương quy mô lao động trung bình là 29 lao động/doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động nam, nữ lần lượt là 60,43% và 39,39%. Tỷ lệ lao động nữ còn thấp hơn nhiều so với nam giới, song khoảng cách này đã được thu hẹp hơn với năm 2019 (66,25% lao động nam và 33,75% lao động nữ). Việc làm cho người khuyết tật tại các doanh nghiệp/hợp tác xã tại Lào Cai vẫn cần được khuyến kích, tỷ lệ này chưa đáng kể (0,01%) trong tổng mẫu thu về.

Năm 2020, Lào Cai đã chịu những tác động khó lường của dịch bệnh. Người dân bao gồm cả các chủ doanh nghiệp, người lao động đều cần tuân thủ, chấp hành các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp/hợp tác xã trì trệ sản xuất, nhu cầu tiêu dùng thấp, dẫn đến các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh lĩnh vực dịch vụ, du lịch ảnh hưởng lớn, không ít doanh nghiệp/hợp tác xã phải đóng cửa, dừng sản xuất, không thể tiếp cận khảo sát. Tuy nhiên, đứng trước thách thức trên, vẫn tồn tại những cơ hội, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã vượt qua sóng gió và yêu cầu khắt khe của thị trường, tìm ra lối đi riêng cho mình để duy trì và mở rộng sản xuất. 8,8% tìm thấy cơ hội mới để phát triển.

Cụ thể, 84,4% doanh nghiệp/hợp tác xã chịu tác động tiêu cực từ Covid-19; trong đó, 34,2% cho rằng các tác động này là rất tiêu cực, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận, thị trường. Theo lĩnh vực, các doanh nghiệp/hợp tác xã du lịch tiếp tục chịu tác động nặng nề với 92,31%. Tiếp đến là doanh nghiệp/hợp tác xã trong lĩnh vực thương mại dịch vụ (87,16%), công nghiệp xây dựng (78,02%) và nông lâm ngư nghiệp (66,66%). Theo giới tính, doanh nghiệp/hợp tác xã do phụ nữ làm chủ chịu tác động nhiều hơn nam giới với tỷ lệ 86,63%. Theo địa bàn, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, thành phố Lào Cai, Sa Pa và Bảo Thắng là các địa phương có tỷ trọng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chịu tác động tiêu cực từ Covid-19 nhiều hơn các địa phương khác.

Một phép so sánh, trên bình diện quốc gia, theo kết quả điều tra đột xuất của Tổng cục Thống kê, 85,7% doanh nghiệp trên cả nước bị tác động bởi Covid-19 trên nhiều phương diện; trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng với tỷ lệ tác động 86,1% và thương mại dịch vụ là 85,9%; khu vực nông – lâm – thủy sản chịu ít tác động hơn (78,7%). Có thể thấy rằng, sự ảnh hưởng của Covid- 19 đến sản xuất, kinh doanh tại Lào Cai năm 2020 khá tương đồng với kết quả toàn quốc. Những ảnh hưởng trên phần nào tác động tiêu cực tới tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp/hợp tác xã tại địa phương.

Vân Thảo