LCĐT – Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020, ngành công nghiệp của tỉnh luôn duy trì đà tăng trưởng ổn định ở mức cao, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Những năm qua, đi đôi với tăng trưởng và ổn định, kinh tế Lào Cai đã có sự chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ. Xu hướng của quá trình này là công nghiệp tăng nhanh và nền kinh tế từng bước được hiện đại hóa. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh là 9,45%, năm 2019 đạt 10,04%.

Chuyển dịch cơ cấu của khu vực công nghiệp được thực hiện gắn liền với sự phát triển các ngành theo hướng da dạng hóa, từng bước hình thành một số ngành trọng điểm và mũi nhọn, có tốc độ phát triển cao, thuận lợi về thị trường, có khả năng xuất khẩu. Các sản phẩm công nghiệp quan trọng đều tăng khá như điện, luyện kim loại màu, phân bón, hóa chất… Sự phát triển của công nghiệp đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khẳng định là ngành quan trọng, tạo động lực phát triển nền kinh tế của tỉnh.

Trong giai đoạn 2015 – 2020, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp bình quân hơn 15%/năm. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 36.200 tỷ đồng, vượt 8% mục tiêu Đại hội và gấp 2 lần so với năm 2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 – 2020 là 15,2%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp cũng chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác. Công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 21 nghìn lao động với mức thu nhập ổn định hơn 5,5 triệu đồng/người/tháng, đã và đang đóng góp nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành công nghiệp vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đó là sản phẩm công nghiệp chủ yếu còn ở dạng thô (nguyên liệu), không có nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị cao hoặc sản lượng lớn, có vị thế và ảnh hưởng lớn đến thị trường. Cơ cấu nội ngành còn nặng về các sản phẩm truyền thống (chế biến khoáng sản, hóa chất, phân bón). Các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm… có giá trị sản xuất thấp. Công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp còn nhỏ, manh mún dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn ngân sách nhà nước, chưa thu hút được nhiều thành phần kinh tế khác. Nguy cơ ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp ngày càng cao do sự phát triển nhanh của một số sản phẩm công nghiệp trong thời gian qua.

Động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh

Ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua đạt được kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020 đề ra. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương và những kết quả đạt được, Lào Cai xác định giai đoạn 2021 – 2025, công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Mục tiêu là tỷ trọng công nghiệp – xây dựng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh chiếm hơn 45% và giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, cùng với thực hiện tốt Nghị quyết số 23 ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Lào Cai tiếp tục triển khai tốt công tác xây dựng phương án phát triển ngành công nghiệp tích hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh; tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu và cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, đón đầu xu hướng dịch chuyển đầu tư trong khu vực và thế giới. Rà soát, đánh giá công nghệ, thiết bị hiện có, xây dựng lộ trình thay thế, đổi mới công nghệ và thiết bị tiên tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; làm tốt công tác thẩm định lựa chọn dự án đầu tư mới, đảm bảo các dự án có công nghệ, thiết bị tiên tiến, ưu tiên những dự án chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại các ngành công nghiệp và phát triển ngành kinh tế trên từng vùng, địa phương theo hướng tập trung, không dàn đều, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh. Xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo hướng chuyển dần các ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào tài nguyên, lao động sang ngành sử dụng công nghệ hiện đại, có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh. Lựa chọn một số ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh để ưu tiên phát triển nhằm tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra giá trị gia tăng cao, tăng nguồn thu ngân sách và sử dụng nhiều lao động. Tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, thuế, đất đai…; tăng cường thu hút đầu tư vào công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng, áp dụng chính sách thu hút, sử dụng lao động có trình độ kỹ thuật chuyên môn cao, cán bộ trẻ có năng lực đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ khu vực tư nhân, doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao; liên doanh, liên kết với nước ngoài trong đầu tư đào tạo nghề, đặc biệt là các ngành nghề trình độ kỹ thuật cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo với hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu của thị trường lao động. Ưu tiên đào tạo ngành nghề liên quan đến lĩnh vực mà doanh nghiệp công nghiệp có nhu cầu lớn như cơ khí chế tạo, điện, điện tử, điều khiển tự động hóa, chế biến nông – lâm sản…

Những kết quả đạt được cùng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của doanh nghiệp, ngành công nghiệp Lào Cai sẽ có bước phát triển mới, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh.

Viết Vinh