Cải thiện năng lực điều hành kinh tế cấp cơ sở
LCĐT – Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) được xem là công cụ hữu hiệu giúp đánh giá, phân tích một cách chi tiết về năng lực, kết quả và tác động của hoạt động điều hành kinh tế cấp sở, ngành, địa phương.
Các doanh nghiệp được nhiều ưu đãi khi đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Từ DCI…
Mức độ tác động của các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh do chính quyền tỉnh Lào Cai thực hiện trong thời gian qua được doanh nghiệp đánh giá thông qua nhiều cách thức, tiêu biểu trong số đó là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tiến hành điều tra hằng năm. Theo chỉ số này, năm 2014 Lào Cai tăng 14 bậc từ xếp hạng 17 lên 3 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố. Năm 2015 và năm 2016 cùng xếp hạng 5; năm 2017 xếp hạng 11; năm 2018 xếp hạng 12 và năm 2019 xếp hạng 25. Kết quả cho thấy, mặc dù đã đạt thành tựu nhất định nhưng chưa ổn định, cần có những hoạt động bổ sung để củng cố thành tựu đã đạt được.
Tiên phong thực hiện “Xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI)”, năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt thực hiện Dự án Bộ khung chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp huyện, thành phố (DCI) tỉnh Lào Cai. Do có phương pháp luận khoa học, phù hợp với thực tế, các lĩnh vực điều tra, khảo sát, đánh giá mang tính toàn diện, nên kết quả đánh giá chỉ số DCI hằng năm đã giúp chính quyền huyện, thành phố có thêm kênh thông tin để nhận biết “mặt mạnh, mặt yếu” của địa phương mình. Qua đó, hỗ trợ chính quyền cấp huyện điều chỉnh công tác quản lý, xác định “đúng và trúng” những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần giải quyết tại địa phương. Thông qua triển khai DCI góp phần tạo “cú hích” cho các huyện, thành phố nỗ lực, đổi mới căn bản từ nhận thức đến hành động, xây dựng chính quyền mạnh, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển sản xuất – kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, tác động trực tiếp đến kết quả xếp hạng PCI hằng năm của Lào Cai. Kết quả DCI hằng năm cũng góp phần hỗ trợ lãnh đạo tỉnh trong đánh giá nỗ lực điều hành của chính quyền các địa phương.
Mặc dù được ghi nhận với kết quả tốt, góp phần cải thiện môi trường cạnh tranh cấp huyện song DCI tại Lào Cai vẫn còn những điểm chưa hoàn thiện. DCI mới dừng ở mức đánh giá năng lực điều hành cấp huyện, thành phố, chưa triển khai đánh giá cấp sở, ngành, do vậy tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh chung của toàn tỉnh còn chưa đồng bộ, toàn diện. Ngoài ra, DCI được xây dựng từ năm 2013, đến nay với sự chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh, yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất – kinh doanh có nhiều thay đổi theo hướng cao hơn, nhiều lĩnh vực hơn, do đó việc đổi mới DCI, phương pháp luận cũng cần phải nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.
… đến DDCI
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI) hướng tới mục tiêu chính là nâng cao chất lượng quản lý, điều hành kinh tế tại cấp tỉnh và huyện. Do vậy, chỉ số này được xây dựng nhằm thúc đẩy nhận thức, hành động, cải thiện công tác và quản lý, điều hành kinh tế tại địa phương, mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Điều này trực tiếp mang lại lợi ích về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cho nền kinh tế và người dân tại địa phương.
Do đó, DDCI dựa trên quan điểm nền tảng là doanh nghiệp kỳ vọng như thế nào đối với các cơ quan chính quyền cấp huyện và các sở, ngành trong quản lý và điều hành kinh tế. Các cơ sở kinh tế, hộ kinh doanh, doanh nghiệp luôn kỳ vọng chính quyền địa phương sẽ đáp ứng được các nguyên tắc mang tính nền tảng trong quản lý và điều hành kinh tế. DDCI cũng được xây dựng trên cơ sở vai trò, nhiệm vụ và chức năng quản lý của các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị xã và các sở, ngành theo các quy định hiện hành của Việt Nam về tổ chức chính quyền cấp huyện, tỉnh.
Thông qua khảo sát, điều tra, công bố kết quả, lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch hành động, DDCI nâng cao nhận thức, quan tâm về bình đẳng giới, kinh doanh với phụ nữ, doanh nhân nữ, về môi trường, sinh thái trong quá trình phát triển, các vấn đề về xã hội, phát triển bền vững, người dân tộc thiểu số, đối tượng yếu thế… Vượt khỏi cách tiếp cận truyền thống, DDCI sẽ đánh giá chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền địa phương từ các góc độ. Bằng cách đó, DDCI sẽ đảm bảo chính quyền địa phương ở cấp tỉnh cũng như các huyện sẽ có hành động cụ thể nhằm hài hòa các vấn đề về bình đẳng giới, xã hội và môi trường trong quá trình phát triển kinh tế.
Dựa trên kinh nghiệm và thực tiễn triển khai DDCI của các tỉnh, DDCI Lào Cai tiếp tục được nâng cấp, cải thiện phương pháp luận cũng như cách thức triển khai DDCI tại cấp tỉnh. Theo đó, ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng internet để hỗ trợ DDCI, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong triển khai, thực hiện, khai thác và sử dụng kết quả DDCI, phục vụ điều hành, lập kế hoạch cải thiện chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các huyện, sở, ngành, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh tại các tỉnh. Công nghệ thông tin cũng cho phép tỉnh tham gia nắm kết quả đánh giá chất lượng công tác điều hành trên mọi mặt một cách gần như tức thời sau khi hoạt động điều tra, khảo sát được hoàn thành.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ năm 2020, DDCI hằng năm của Lào Cai sẽ được thể chế hóa, nâng tầm ở mức độ cao hơn. Vì vậy, trong năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì sẽ tiến hành rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh phương pháp luận, bộ công cụ DDCI theo hướng nghiên cứu, bổ sung thêm một số cơ quan liên quan trong danh sách được khảo sát, đánh giá, đồng thời phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ xây dựng phương án bổ sung kết quả đánh giá DDCI vào tiêu chí phân loại, xếp loại hằng năm của cấp ủy, chính quyền các sở, ngành, địa phương.
Related Posts
Trả lời Hủy
Bài viết mới
- Báo cáo chỉ số năng lực canh tranh cấp huyện và sở ban ngành năm 2021
- Lào Cai xếp thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
- Kết quả nổi bật, toàn diện trong cải cách hành chính
- Tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo từ góc nhìn DDCI sở, ban, ngành
- Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh nhìn từ DDCI cấp huyện