ddcilaocai.vn – Năm 2019 là năm đầu tiên tỉnh Lào Cai triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương thuộc tỉnh. Theo kết quả điều tra, khảo sát và bảng xếp hạng được công bố cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương và sở, ngành ngày càng được cải thiện với nhiều gam màu tươi sáng. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít những chỉ số thành phần cần phải được các địa phương cùng các sở, ngành tiếp tục nỗ lực cải thiện để góp phần nâng cao môi trường đầu tư, kinh doanh cả tỉnh.

Báo cáo DDCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 1.400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên toàn tỉnh, gồm hai chỉ số chính: DDCI cấp huyện và DDCI sở, ngành. Điểm mới của chỉ số DDCI là hướng tới nâng cao nhận thức và mối quan tâm về những vấn đề như bình đẳng giới, kinh doanh với phụ nữ, doanh nhân nữ, các vấn đề về môi trường, sinh thái trong quá trình phát triển, các vấn đề về xã hội, phát triển bền vững, công bằng, người dân tộc thiểu số, những đối tượng yếu thế.

Ông Nguyễn Duy Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai cho biết: “Tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, theo dõi, giám sát và đánh giá năng lực cạnh tranh DDCI, nhằm tìm ra những trở ngại, khó khăn để trực tiếp tháo gỡ cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, HTX… Đồng thời, gắn với trách nhiệm của từng sở, UBND các huyện, thị, thành phố để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, tạo kênh thông tin tin cậy, minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp và các hợp tác xã, hộ gia đình. Đây cũng là công cụ để giám sát công tác điều hành chỉ đạo ở các cấp, các ngành từ tỉnh cho đến huyện, thị, thành phố”.

Toàn bộ công tác điều tra, khảo sát trực tiếp tại 9 huyện, thị, thành phố được thực hiện bởi nhóm điều tra viên của Cục Thống kê Lào Cai. Theo đó, nhóm chuyên gia và cán bộ khảo sát đã trực tiếp tiến hành khảo sát và nhập dữ liệu từ hoạt động điều tra viên ở từng địa phương, đảm bảo cuộc điều tra được tiến hành khách quan, có chất lượng, nhận được sự đồng thuận cao của từng địa phương và các cơ quan được khảo sát.

Ông Vũ Viết Trường, Cục Trưởng Cục Thống kê Lào Cai cho biết: “Bộ chỉ số DDCI là một chỉ tiêu đánh giá năng lực chỉ đạo, điều hành tạo ra môi trường kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đây cũng là bộ chỉ tiêu rất quan trọng để đánh giá năng lực điều hành của cấp ủy chính quyền địa phương. Chúng tôi không sử dụng lực lượng thống kê trong hệ thống thống kê tập trung để tránh sự tác động có chủ đích vào phiếu điều tra; lực lượng điều tra viên được trưng tập từ các cấp để đảm bảo tính ngẫu nhiên cho tất cả các cuộc điều tra, trong đó có cuộc điều tra DDCI”.

Bảng xếp hạng và điểm số DDCI cấp huyện năm 2019.

Theo bảng xếp hạng và điểm số DDCI cấp huyện năm 2019 cho thấy huyện Văn Bàn tiếp tục duy trì thứ hạng khi đứng ở vị trí quán quân, thuộc nhóm “Rất tốt” về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh (91,2 điểm). Huyện Si Ma Cai với 80,07 điểm thuộc nhóm điều hành “Tốt” ở vị trí thứ hai. Các huyện, thị xã, thành phố: Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa thuộc nhóm “Khá” với điểm từ 79,8 đến 75,3. Huyện Bảo Yên với mức điểm 74,8 ở vị trí cuối cùng bảng xếp hạng.

Bảng xếp hạng và điểm số DDCI cấp sở, ngành năm 2019.

Kết quả từ bảng xếp hạng và điểm số DDCI cấp sở, ngành năm 2019 cho thấy, các đơn vị có sự theo đuổi sát sao về điểm số và thứ hạng. Các vị trí chênh lệch nhau phổ biến từ 0,1 đến 0,5 điểm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng thứ nhất với 83,74 điểm; Sở Kế hoạch và Đầu tư đứng thứ 2; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng lần lượt đứng ở vị trí thứ 3 và thứ 4; Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đứng ở hai vị trí cuối cùng.

Điểm số và vị trí trong bảng xếp hạng DDCI đã đo lường kỳ vọng, đánh giá của các cơ sở sản xuất, kinh doanh với các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành trong tỉnh. Đó là những nỗ lực trong cải thiện, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những chỉ số thành phần như: Tính năng động, tiên phong của chính quyền cấp huyện; minh bạch thông tin và đối xử công bằng với doanh nghiệp; hiệu quả trong cải cách hành chính và bộ phận một cửa… cần phải tiếp tục được các địa phương và các sở ngành nỗ lực cải thiện, góp phần quan trọng duy trì niềm tin, củng cố môi trường đầu tư kinh doanh chung của Lào Cai.

 

 Thanh Sơn – Xuân Anh